Tổ chức Hoạt động Kịch sáng tạo trong trường Mầm non
Kịch sáng tạo nói chung và kịch vải (Panel theater) cho trẻ mầm non nói riêng có khả năng thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ. Kịchvải là phương tiện biểu đạt sáng tạo và thú vị trong giáo dục trẻ em.
Hoạt động kể chuyện bằng bảng vải là một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản, loại hình nghệ thuật này còn nhiều mới lạ tại Việt Nam trong đó nhà giáo dục sử dụng những miếng vải không dệt, có đặc tính giống như giấy (gọi là giấy P) để dính trên một tấm bảng vải dạ, nỉ mà không cần keo dính. Người kể chuyện thể hiện câu chuyện bằng cách điều khiển các hình ảnh làm từ giấy P (có độ bám dính cao) gắn trên bảng vải (dính, lấy ra, lật, giở, lấy thêm, gài vào…) kết hợp với ca hát, vận động. Do đó, loại hình nghệ thuật này khá phù hợp với trẻ mầm non bởi tính hiệu quả và khả thi cao, phù hợp với triết lý giáo dục học qua chơi; nâng cao khả năng ghi nhớ, khả năng tập trung, sáng tạo và ý chí của trẻ.
Nhằm tiếp cận và đổi mới trong giảng dạy phương pháp bộ môn cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non, Bộ môn Nghiệp vụ mầm non, Khoa Sư phạm Tiểu học – Mầm non, Trường Đại học Hoa Lư đã tổ chức Hội thảo chuyên môn với chủ đề: “Tổ chức hoạt động kịch sáng tạo trong trường mầm non” vào 14h00 chiều ngày 26 tháng 9 năm 2023 tại Khoa.
Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo khoa Sư phạm Tiểu học – Mầm non cùng toàn thể giảng viên trong khoa.
Các chuyên đề trình bày trong hội thảo giới thiệu tổng quan về nguồn gốc lịch sử phát triển của kịch vải cùng với quy trình tổ chức kịch vải trong trường mầm non, đồng thời đưa ra ý tưởng vận dụng kịch vải của Nhật Bản vào giáo dục mầm non Việt Nam để người tham tham dự có cái nhìn ban đầu và gợi mở để tiếp tục đưa ra những ý tưởng trong quá trình vận dụng kịch vải vào quá trình giảng dạy một số học phần cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Mầm non tại khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Hoa Lư. Các cán bộ, giảng viên tham dự hội thảo cùng thảo luận về 3 chuyên đề:
- Quá trình phát triển của kịch vải
- Quy trình tổ chức hoạt động kịch vải tại trường mầm non
- Ý tưởng vận dụng kịch vải của Nhật Bản vào giáo dục mầm non của Việt Nam
Sau khi trao đổi, thảo luận về điểm mới, ưu điểm, hạn chế, các điều kiện thực hiện trong đào tạo,… Bộ môn Nghiệp vụ mầm non thống nhất vận dụng sử dụng kịch vải khi sinh viên thực hành ở các học phần do Bộ môn phụ trách giảng dạy như Phương pháp đọc kể diễn cảm tác phẩm văn học trong trường mầm non, Hướng dẫn tìm hiểu và ứng dụng tác phẩm văn học trong giáo dục mầm non, Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, Tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp, Tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm… Bên cạnh đó, Bộ môn dự kiến thực hiện đề tài NCKH năm 2024 theo định hướng tổ chức kịch vải trong giáo dục mầm non.