HƯỚNG DẪN THỰC TẬP NGHỀ GIAI ĐOẠN I NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

I. Mục đích - yêu cầu

1. Mục đích

Thông qua đợt thực tập, sinh viên:

- Được củng cố và hệ thống hóa kiến thức lý luận; vận dụng kiến thức để phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong quản trị tại đơn vị thực tập;

- Có cơ hội quan sát và tham gia thực hành một số kỹ năng và chức năng quản trị cơ bản; có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy; có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.

- Có thể nâng cao được năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực thực hành.

2. Yêu cầu.

Trong đợt thực tập:

- Sinh viên phải tận tình với công việc; làm việc có kế hoạch, khoa học; biết vận dụng các kiến thức đã học để thực hiện các yêu cầu của đợt thực tập

- Chủ động, sáng tạo trong công việc. Đảm bảo thực hiện đúng các nội quy, quy định của nhà trường và đơn vị thực tập.

II. Nội dung thực tập

1. Tìm hiểu chung và báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp (DN), đơn vị thực tập

- Quá trình hình thành và phát triển DN

- Sứ mệnh/nhiệm vụ - mục tiêu chiến lược của DN

- Triết lý kinh doanh, các giá trị cốt lõi của DN; Đạo đức - Văn hóa kinh doanh của DN…

- Quy mô, loại hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức và nhân sự của DN; lĩnh vực hoạt động, công nghệ/quy trình sản xuất đang áp dụng

- Kết quả hoạt động kinh doanh của DN thực tập trong 3 năm gần đây...

2. Quan sát, tiếp cận tham gia thực hành một số kỹ năng và chức năng quản trị cơ bản tại cơ sở thực tập

2.1. Các chức năng quản trị cơ bản

Hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra - đánh giá.

2.2. Các kĩ năng quản trị cơ bản

- Kỹ năng chuyên môn kĩ thuật

- Kỹ năng nhân sự

- Kỹ năng tư duy

Ngoài ba kĩ năng cơ bản trên, mỗi sinh viên nên tìm cơ hội để thực hành những kĩ năng quản trị cụ thể như:

- Kỹ năng lập kế hoạch;

- Kỹ năng giải quyết vấn đề;

- Kỹ năng giao tiếp tốt;

- Kỹ năng xây dựng nhóm làm việc hiệu quả;

- Kỹ năng làm việc nhóm;

- Kỹ năng tổ chức và điều khiển hội họp;

- Kỹ năng giải quyết xung đột;

- Kỹ năng giao việc ủy quyền;

- Kỹ năng thuyết phục;

- Kỹ năng tổ chức công việc;

- Kỹ năng quản trị thông tin...

3. Viết báo cáo chuyên đề thực tập

Một số định hướng đề tài viết báo cáo chuyên đề

1. Xây dựng/hoàn thiện văn hóa kinh doanh/văn hóa giao tiếp tại DN

2. Hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại DN

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả làm việc nhóm tại DN

4. Một số giải pháp giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm tại DN

5. Phân tích môi trường kinh doanh, hình thành chiến lược phát triển của DN

6. Vai trò của công tác quản trị chiến lược tại doanh nghiệp

7. Chiến lược kinh doanh của DN đến năm…

8. Chính sách đào tạo và phát triển nhân lực của doanh nghiệp

9. Tăng cường công tác quản trị nguồn nhân lực tại 1 doanh nghiệp

10. Công tác tuyển dụng (tuyển mộ, tuyển chọn) của doanh nghiệp; chính sách lương thưởng khuyến khích nhân viên…

11. Công tác tổ chức bộ máy trong doanh nghiệp

12. Hoạt động marketing của doanh nghiệp: Phân tích thị trường mục tiêu, định vị thị trường, quảng cáo…

13. Hoàn thiện kênh phân phối/ hoàn thiện hệ thống phân phối của DN

14. Ứng dụng marketing mix trong hoạt động kinh doanh của DN

15. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến hỗn hợp tại DN

16. Xây dựng lực lượng bán hàng tại DN

17. Thực trạng và giải pháp hoạt động nghiên cứu thị trường của DN

18. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN

19. Các đề tài khác thuộc lĩnh vực/chuyên ngành được đào tạo

Lưu ý:Tại cùng một đơn vị thực tập, sinh viên trong cùng nhóm thực tập không được lựa chọn cùng một đề tài để viết báo cáo.

4. Thời gian và tổ chức thực hiện

- Thời gian thực tập: 04 tuần, từ 05/10/2020 đến 01/11/2020.

- Tổ chức thực hiện: Kế hoạch thực tập được chia thành các bước sau:

Bước 1. Xây dựng kế hoạch của nhóm bao gồm các công việc: Ổn định tổ chức, nhận nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch thực tập của nhóm, kế hoạch cá nhân.

Bước 2. Thực hiện các nội dung thực tập theo kế hoạch.

Bước 3. Tổng kết, hoàn thành hồ sơ thực tập.

- Nộp hồ sơ về phòng Đào tạo - QLKH trong thời gian 03 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt thực tập. Hồ sơ thực tập của sinh viên gồm có:

Hồ sơ đoàn:

+ Kế hoạch thực tập của đoàn (trong đó ghi rõ người hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại cơ sở).

+ Báo cáo tổng kết thực tập của đoàn.

Hồ sơ cá nhân:

+ Phiếu đánh giá, xếp loại thực tập kỹ năng, nghiệp vụ.

+ Phiếu đánh giá, xếp loại ý thức, tổ chức kỷ luật.

+ Báo cáo chuyên đề thực tập.

(Tất cả hồ sơphảicó xác nhận của cơ sở thực tập và được đựng trong túi đựng hồ sơ)

5. Đánh giá kết quả thực tập

+ Cuối đợt thực tập sinh viên được đánh giá theo các nội dung sau:

- Cơ sở thực tập đánh giá nội dung: Ý thức tổ chức kỷ luật (TCKL); kỹ năng nghiệp vụ (KNNV).

- Trường Đại học Hoa Lư đánh giá nội dung: Chuyên đề thực tập (CĐ).

- Kết quả thực hiện các công việc của sinh viên được đánh giá theo thang điểm 10 và được tính đến điểm lẻ 0,5.

Kết quả đánh giá được tính theo thang điểm 10 và xếp loại như sau:

* Loại đạt, gồm các hạng sau:

+ Xuất sắc: điểm từ 9 đến 10.

+ Giỏi: điểm từ 8,5 đến 8,9.

+ Khá: điểm từ 7 đến 8,4.

+ Trung bình khá: điểm từ 6,5 đến 6,9.

+ Trung bình: điểm từ 5,5 đến 6,4.

* Loại không đạt: Dưới 5,5 điểm.

+ Sinh viên vắng mặt quá 20% thời gian quy định của đợt thực tập sẽ không được đánh giá kết quả và phải thực tập lại theo kế hoạch thực tập của những khóa sau./.

Bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Đại học Hoa Lư