BÁO CÁO ĐỀ DẪN - HỘI THẢO KHOA HỌC: "100 NĂM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐẾN VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN" (1920-2020)

TS. Đoàn Sỹ Tuấn - Trưởng Bộ môn đọc Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học. TS. Đoàn Sỹ Tuấn khẳng định: Các báo cáo tham luận gửi về Hội thảo đã bám sát chủ đề, trong đó nhiều tham luận, có nhiều điểm mới phong phú cả về chất liệu nội dung, cả về phương pháp, cách thức tiếp cận góp phần làm sáng rõ nhiều mặt của sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng này. Cũng không ít vấn đề gợi mở được đặt ra trong các bài viết tham luận, chúng tôi xin được chắt lọc, tổng hợp thể hiện dưới hình thức đặt câu hỏi, để các quý vị đại biểu trao đổi nhiều hơn, sâu sắc hơn trong Hội thảo hôm nay.

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC

“100 NĂM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

ĐẾN VỚI CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN” (1920 - 2020)

TS. Đoàn Sỹ Tuấn-

Trưởng Bộ môn Lý luận chính trị

Trường Đại học Hoa Lư

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa các nhà khoa học! Thưa toàn thể các đồng chí!

Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống các quan điểm, học thuyết “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”[1]; lấy khoa học làm nền tảng, động lực, lấy cách mạng làm mục tiêu nhằm giải phóng - giai cấp, dân tộc và con người; là sự kết tinh tinh hoa văn hóa, khoa học, trí tuệ nhân loại và thực tiễn thời đại; do C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I. Lênin – những vĩ nhân của lịch sử, những nhà khoa học kiêm chiến sĩ cách mạng, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và nhân loại tiến bộ, khởi thảo, sáng lập, bổ sung và phát triển.

Nguyễn Ái Quốc – Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin vào tháng 7-1920. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam: “Giờ phút tiếp cận Luận cương của Lênin là một trong những giờ phút trọng đại không chỉ đối với cá nhân người đang đánh đổi cả đời để tìm kiếm mà còn cả đối với số phận dân tộc – giờ phút ấy thật linh thiêng và chứa đựng trong đó cái huyền bí của sự hóa thân sinh nở[2]. Đến với Luận cương của Lênin, Luận cương đã hòa quyện, đã gieo vào nhu cầu, khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc một sức sống mới, trong cái thế giới mênh mông của một nhà ái quốc vĩ đại. “Nguyễn Ái Quốc bừng ngôi sao sáng/ Người Việt Nam cách mạng đầu tiên/ Đã tìm ở Mác- Lênin, Nguồn chân lý đỏ con tim của mình”.

Chủ nghĩa Mác – Lênin đã tạo ra sự biến đổi mang tính chất bước ngoặt, căn bản, về chất trong tư tưởng, tình cảm; quan điểm, lập trường; phương pháp và hành động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc; giúp Người tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã đi từ “chủ nghĩa yêu nước” đến “chủ nghĩa Mác-Lênin”, từ “Ái Quốc”, đến “Chí Minh”, từ người đi “tìm đường”, trở thành người “chỉ đường”, “dẫn đườngcủa cả dân tộc. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành “Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ/ Đã thành mặt trời chói lọi bình minh”; Người “làm sáng vũ trụ”; thành người đưa lịch sử “bước những bước đi khổng lồ” trong xuyên suốt chiều dài của lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin - đỉnh cao của tư duy, trí tuệ, khoa học loài người; với tư duy độc lập, tự chủ, đổi mới, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược; Hồ Chí Minh không dừng ở đỉnh cao, mà còn tiếp tục phát triển đỉnh cao lên một đỉnh cao mới, kiên trì tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo, góp phần làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin. Có thể nói, sau V.I.Lênin, Hồ Chí Minh là một trong số ít những lãnh tụ cộng sản để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chủ nghĩa Mác – Lênin tác động mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện đến cách mạng Việt Nam, là một bộ phận, và là một bộ phận hợp thành quan trọng nhất trong các bộ phận cấu thành đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), gieo mầm cho hạt giống cách mạng đầu tiên; tạo ra một bước ngoặt quan trọng, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kháng chiến thành công chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội;công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước (1986-2020), đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để phát triển đất nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Hướng đến chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ (2020 – 2025); chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, khai giảng năm học 2020 - 2021, Trường Đại học Hoa Lư tổ chức Hội thảo khoa học: “100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin” (1920-2020).

Hội thảo vô cùng vui mừng, phấn khởi và vinh dự được đón tiếp các vị đại biểu khách quý, các nhà khoa học thuộc 35 học viện, đại học, trường đại học, cao đẳng, trường chính trị củanhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, cho phép tôi gửi đến tất cả quý vị lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Hội thảo nhằm góp phần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh và trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam; trao đổi chuyên môn, học thuật, chia sẻ những kết quả nghiên cứu; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Trường Đại học Hoa Lư với các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo trong và ngoài tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, dạy học, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Hội thảo quy tụ đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà giáo với trên 60 bài viết xoay quanh chủ đề, đề cập những nội dung cơ bản như sau:

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin - Giá trị bền vững và sức sống thời đại;

2. Hồ Chí Minh kiên định tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam;

3. Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại;

4. Nghiên cứu, dạy học, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng trong các trường đại học. Và nhiều vấn đề khác có liên quan đến chủ đề hội thảo.

Các báo cáo tham luận gửi về Hội thảo đã bám sát chủ đề, trong đó nhiều tham luận, có nhiều điểm mới phong phú cả về chất liệu nội dung, cả về phương pháp, cách thức tiếp cận góp phần làm sáng rõ nhiều mặt của sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng này. Cũng không ít vấn đề gợi mở được đặt ra trong các bài viết tham luận, chúng tôi xin được chắt lọc, tổng hợp thể hiện dưới hình thức đặt câu hỏi, để các quý vị đại biểu trao đổi nhiều hơn, sâu sắc hơn trong Hội thảo hôm nay:

1. Giá trị và sức sống thực sự của chủ nghĩa Mác – Lênin trong bối cảnh thời đại có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế? Sự phát triển đó có làm thay đổi bản chấtcủa chủ nghĩa Mác – Lênin?

2. Cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị thế, tầm vóc và đóng góp nổi bật của Hồ Chí Minh trong kiên trì, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam?

3. Vì sao, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định cứ mỗi chỗ “gấp khúc”, “so le” của lịch sử; cứ mỗi bước dân tộc ta “nâng mình” đi lên phía trước càng thấy vai trò to lớn, không thể thay thế của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam?

4. Sự quan trọng, những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp cơ bản trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, dạy học các môn Lý luận chính trị ở nước ta hiện nay? Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các nhà trường trước bối cảnh khoa học công nghệ và toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ.

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Hội thảo khoa học bàn về sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, diễn ra ở một thời điểm và địa điểm mang nhiều ý nghĩa. Hội thảo khoa học diễn ra đúng vào ngày Cách mạng tháng 10 Nga thành công (7/11/1917); trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ (2020 – 2025). Hội thảo bàn về một sự kiện lịch sử quan trọng – sự kiện khơi nguồn, phát tích để Hồ Chí Minhtìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, mở ra một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam; diễn ra trên mảnh đất Cố đô – Hoa Lư – Ninh Bình lịch sử - nơi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, đóng đô, dựng nước, lập Quốc hiệu là Đại Cồ Việt (大瞿越, 968-1054), mở nền “chính thống thủy”, khơi nguồn, phát tích của 3 triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam.

Về dự Hội thảo khoa học lần này, rất mong các vị đại biểu khách quý nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết cho nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận để Hội thảo thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu, kế hoạch đã đề ra.

Kính chúc các quý vị đại biểu khách quý về tham dự Hội thảo - sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn.

BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 298

[2]Nguyễn Cảnh Lạc, “Thơ Dâng Bác”, Nhà xuất bản. Đại học quốc gia Hà Nội, 2000, tr.278.

Tin tiêu điểm