Giảng viên thay đổi để thích ứng

ThS. Phan Thị Hằng Nga tham gia Hội thi Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm cấp trường năm 2020 với phần thi hùng biện chủ đề: Giảng viên thay đổi để thích ứng

Nghĩ tới nghề giáo, không ít người cho rằng đó là nghề ổn định, ít phải thay đổi. Nhưng nhìn ra thế giới xung quanh, chúng ta cảm nhận được sự thay đổi đang diễn ra từng ngày từng giờ mà khó có thể lường trước được. Bằng chứng là các năm gần đây, sự biến động từ môi trường kinh tế, chính trị, tự nhiên, dịch bệnh khiến hoạt động của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia phải chao đảo. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet kết nối vạn vật, .... đã và đang đe dọa tới việc làm của những lao động, thậm chí ngay cả người thầy giáo trong tương lai cũng có thể bị thay thế bởi những chú robot. Do vậy để không bị bỏ lại phía sau, những người lao động nói chung và người giảng viên nói riêng cần phải chủ động thay đổi để hoàn thiện và phát triển bản thân, thích ứng với sự biến động của môi trường.

Trong những năm qua câu chuyện về sứ mệnh, triết lý giáo dục, sự điều chỉnh chương trình đào tạo và về kiểm định diễn ra hàng ngày ở trường đại học Hoa Lư chúng ta đó là dấu hiệu của sự thích ứng. Tuy nhiên để sự thay đổi sâu sắc hơn thì mỗi chúng ta cần phải:

-Nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu, giá trị của bản thân, hiểu rõ môi trường sống để học cách thích ứng;

- Chủ động khám phá và học hỏi những cái mới

Mỗi giảng viên dù được đào tạo đến trình độ nào thì vẫn luôn đứng trước yêu cầu phải tiếp tục học tập và học tập không ngừng nhất là trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, tri thức nhân loại gia tăng một cách nhanh chóng. Việc không ngừng học tập, tự học tự nghiên cứu, bổ sung các kiến thức chuyên ngành mới, hiện đại giúp chúng ta nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, mở ra cánh cửa tiếp cận với những tri thức tiên tiến trên thế giới.

Việc học tập của mỗi giảng viên không chỉ đựa trên sách vở mà còn phải học hỏitừ thầy cô của chính chúng ta,từ các anh chị đi trước. Các giảng viên của trường đại học Hoa Lư cần cập nhật kiến thức thực tế từ việc hợp tác với doanh nghiệp, trường phổ thông, với các cơ quan ban ngành để kết nối lý thuyết với thực tiễn. Trong công việc, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa các đồng nghiệp với nhau là quan trọng, nhưng sẽ rất cần những mối quan hệ, những sự kết nối với thế giới bên ngoài nhà trường và như vậy chúng ta cần phải vượt qua sự rụt rè để chủ động mở rộng mối quan hệ nhằm hỗ trợ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Việc chủ động khám phá và học hỏi những cái mới sẽ chỉ là những lời nói suông nếu không có hành động. Hãy hành động (dù bé nhỏ tới cỡ nào). Việc thay đổi không nhất thiết phải là hành động to lớn. Khi phải đối mặt với một vấn đề, hãy chia nhỏ nó thành những phần bé nhất có thể và xử lý từng phần một. Nó sẽ làm vấn đề bớt gây nản chí và cụ thể hơn. Ví dụ, muốn thay đổi phương pháp giảng dạy, hãy thay đổi phương pháp theo từng bài học, tiết học, chọn lọc, rút kinh nghiệm và dần thay đổi cả học phần. Cứ như vậy nhân lên cho nhiều học phần, nhiều giảng viên cùng hành động sẽ tạo ra sự cộng hưởng, tạo ra những sản phẩm thực sự mới thực sự chất lượng và phù hợp với cái mà xã hội cần – đó là nhân lực chất lượng cao từ đó giúp cho nhà trường phát triển.

Muốn hành động,chúng ta cần có dũng khí để vượt qua những sự cản trở việc thay đổi như: sự tự mãn, sự quen thuộc với môi trường hiện tại, ngại học những kỹ năng mới, tính ì hay cảm giác lo sợ phải thay đổi. Phải kiểm soát được cảm xúc của bản thân, chuyển các cảm xúc lo lắng thành cảm xúc tích cực, tạo sự thoái mái để sẵn sàng thích ứng với cái mới.

Với cương vị của một người giảng viêncủa trường đại học Hoa Lư tôi cần phải chủ động thay đổi để thích ứng. “Thay đổi hay là chết” – là câu khẩu hiệu hành động của một doanh nghiệp mà tôi rất ấn tượng . Tất nhiên là sự thay đổi không thể một sớm một chiều tạo ra hiệu ứng tức thì, thậm chí sự thay đổi đôi khi còn chứa đựng cả những đánh đổi nữa, nhưng thà thay đổi còn hơn là “chết” – theo tôi đây là khẩu hiệu hành động phù hợp nhất cho bối cảnh hiện nay của trường đại học Hoa Lư. Tôi và chúng ta cùng thay đổi để thích ứng với sự thay đổi đang diễn ra từng ngày./.

ThS. Phan Thị Hằng Nga - Giảng viên Quản trị kinh doanh, khoa Kinh tế - Kỹ thuật Đại học Hoa Lư