DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - BẢN TRƯỜNG CA CÁCH MẠNG, ĐỊNH HƯỚNG, SOI ĐƯỜNG CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Tóm tắt: Di chúc là tác phẩm thiêng liêng, bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngót nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Người đặt bút viết những dòng cuối cùng trong Di chúc, đến nay vẫn sáng nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời sự. Bài viết bước đầu tập trung làm sáng rõ những giá trị cơ bản, cốt lõi của Di chúc tạo nên bản trường ca cách mạng, sức sống trường tồn của Di chúc định hướng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH -

BẢN TRƯỜNG CA CÁCH MẠNG, ĐỊNH HƯỚNG, SOI ĐƯỜNG

CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM[1]

The will of President Ho Chi Minh - the revolutionary school, orienting and paving the way for Vietnam's revolutionary career

ĐOÀN SỸ TUẤN

Trường Đại học Hoa Lư[2]

TRẦN ĐỨC TUẤN [3]

Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh Thái Bình

TRƯƠNG MẠNH TIẾN

Trường ĐHSP Hà Nội - phân hiệu Hà Nam[4]

Tóm tắt

Di chúc là tác phẩm thiêng liêng, bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngót nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Người đặt bút viết những dòng cuối cùng trong Di chúc, đến nay vẫn sáng nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời sự. Bài viết bước đầu tập trung làm sáng rõ những giá trị cơ bản, cốt lõi của Di chúc tạo nên bản trường ca cách mạng, sức sống trường tồn của Di chúc định hướng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Từ khóa: “Di chúc”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “định hướng, soi đường”; “cách mạng Việt Nam”.

Summary

The will is the sacred and immortal will of President Ho Chi Minh, half a century has passed since the day he wrote the last lines in the Will, still up to date with historical value and meaning the. The article initially focused on clarifying the basic and core values of the Will to create a revolutionary case, the longevity of the Will, to guide and pave the way for the revolutionary cause of Vietnam.

Keywords: "Will", "President Ho Chi Minh", "orientation, path"; "Viet Nam's revolution".

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước lúc “Bác đã lên đường theo tổ tiên/Mác-Lênin, thế giới Người hiền [9]; “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay [10], Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc; lãnh tụ của Đảng và dân tộc ta đã để lại bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ đến nay vẫn sáng nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời sự. Bài viết bước đầu tập trung làm sáng rõ những giá trị cơ bản, cốt lõi của Di chúc tạo nên bản trường ca cách mạng, định hướng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam: Tầm nhìn chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; công trình bất hủ về Đảng và xây dựng Đảng; triết thuyết cô đọng tất cả vì con người; bản thiết kế lý luận toàn diện, khoa học, sáng tạo về đổi mới và phát triển đất nước; chung đúc, kết tinh, hội tụ, thăng hoa và tỏa sáng tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Di chúc thể hiện tầm nhìn chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Với quan điểm độc đáo, sáng tạo của mình, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: Độc lập, tự do phải là độc lập, tự do “thực sự”, độc lập, tự do “hoàn toàn”, chứ không phải là cái bánh vẽ, giả hiệu. Theo Người đó là: Độc lập, tự do trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Độc lập, tự do trên cả vùng đất, vùng trời, vùng biển; Độc lập, tự do trong thống nhất; thể hiện ở cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc của nhân dân... và khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa thắng lợi hoàn toàn, đất nước chưa thống nhất thì nước ta chưa có độc lập, tự do “thực sự”, độc lập, tự do “hoàn toàn”. Vì vậy, để có độc lập, tự do “thực sự”, độc lập, tự do “hoàn toàn”, trong Di chúc Người căn dặn phải đánh thắng giặc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện thống nhất đất nước. Người khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không dễ dàng; sẽ phải gặp nhiều khó khăn, gian khổ, phức tạp; đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của, nhiều người, nhưng cuối cùng nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. Trong Di chúc, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.... Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” [6, tr. 612]. “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” [6, tr. 618].

Nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người dùng 5 từ “nhất định” để truyền lửa, truyền niềm tin, ý chí và quyết tâm sắt đá cho nhân dân, dân tộc ta, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, để có độc lập, tự do “thực sự”, độc lập, tự do “hoàn toàn”. Đó là tư tưởng cách mạng triệt để của Người, nhờ đó nước ta được thống nhất, độc lập “thực sự”, “hoàn toàn” như ngày nay (Điều này khác xa với Triều Tiên, khi hiện nay phân chia thành Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên). Những dự báo chiến lược, thiên tài của Người về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “có thể kéo dài mấy năm nữa”; “kinh qua gian khổ hy sinh”, “nhiều của nhiều người”; “nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”, sau này đều trở thành hiện thực.

2. Di chúc là một công trình bất hủ về Đảng và xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh

Thấm nhuần lý luận Mác-Lênin về vai trò của Đảng Cộng sản; có bề dày thực tiễn gần 50 năm chuẩn bị, sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người sớm hiểu biết sâu sắc về vị trí, vai trò của Đảng trong đấu tranh cách mạng. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” viết 1927, nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [2, tr. 298]. Tiếp nối tư tưởng đó, trong “Di chúc”, điều tâm nguyện và hệ trọng bậc nhất Người nói đến trước tiên, trên hết, đó là về Đảng. nói về Đảng trong “Di chúc”, Người nhấn mạnh:

2.1. Vị trí, vai trò quan trọng, truyền thống quý báu, sức mạnh to lớn của Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" [6, tr. 621-622]. Theo Người, Đảng ta có truyền thống đoàn kết; trung thành với giai cấp, nhân dân, Tổ quốc; có khả năng “tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta”; là nguyên nhân, nguồn gốc, động lực then chốt quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

2.2. “Chỉnh đốn lại Đảng”. Di chúc Bác sửa chữa năm 1968, Người viết: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi...Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” [6, tr. 616]. Sinh thời Người căn dặn: “Chỉnh đốn lại Đảng” phải luôn luôn làm, tiến hành thường xuyên, liên tục nhưng có 3 thời điểm phải đặc biệt coi trọng, nhấn mạnh: Khi cách mạng gặp khó khăn, thất bại phải chỉnh đốn để uốn nắn tư tưởng, chỉnh đốn tổ chức, sắp xếp lại lực lượng “Thuốc đắng vạn liều càng thấy đắng/Đường xa cuối chặng lại thêm gay” [3, tr. 412]; Khi cách mạng gặp thắng lợi, nhất là thắng lợi lớn, dễ sinh chủ quan, khinh địch “Đi khắp đèo cao, khắp núi cao/Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao/Núi cao gặp hổ mà vô sự/Đường phẳng gặp người bị tống giam” [3, tr. 311]; Khi cách mạng chuyển sang làm nhiệm vụ mới, nhiệm vụ nặng nề hơn, phức tạp hơn. Những năm Người viết “Di chúc”, cách mạng Việt Nam theo dự liệu của Người đã, đang và sắp diễn ra cả 3 điều kiện trên, nên Người đặc biệt coi trọng, nhấn mạnh “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Người gợi mở các giải cơ bản để xây dựng chỉnh đốn lại Đảng như: giữ gìn sự đoàn kết nhất trí; phát huy dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; làm cho cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; dựa vào dân, tôn trọng, tận tụy, trung thành, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì dân...; - “Đoàn kết trong đảng”. Người cho rằng, Đảng là hạt nhân của hệ động lực, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nên đoàn kết thống nhất trong Đảng là quan trọng vô cùng, quý giá vô ngần. Đoàn kết được trong Đảng thì làm được tất cả, không đoàn kết được trong Đảng thì không làm được điều gì cả. Trong Di chúc (công bố năm 1969), với 1126 chữ, 8 lần Người nói đến đoàn kết, thì khi nói về Đảng trong một đoạn ngắn với 208 chữ, Người 5 lần nhấn mạnh đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" [6, tr. 622]. Cách nói so sánh, hình ảnh, giản dị, dễ hiểu nhưng vô cùng sâu sắc, thấm thía “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” điều đó cho thấy, Người rất nhấn mạnh đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; - “Xây dựng đạo đức”. Trong Di chúc công bố năm 1969, Người nói: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" [6, tr. 622]. Trong một đoạn văn ngắn, chỉ với 57 chữ, Người nhấn mạnh 4 lần điệp từ “thật” để nói về xây dựng đạo đức trong Đảng, điều đó cho thấy Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức thật sự, chứ không phải đạo đức hình thức, giả tạo trong Đảng.

Như vậy, những quan niệm trên đây của Người trong Di chúc về Đảng và xây dựng Đảng xứng tầm một học thuyết, một công trình bất hủ, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng; là tài sản tinh thần quý báu, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam để Đảng ta đề ra chủ trương, đường lối và chỉ đạo thực tiễn về xây dựng, phát triển Đảng hiện nay.

3. Di chúc là một triết thuyết cô đọng tất cả vì con người và xã hội

Từ truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn cách mạng, Người thấy rõ vai trò to lớn của nhân dân, nhân dân là hạt nhân của dân tộc, đất nước, quyết định sự trường tồn, phát triển của dân tộc. Người nói: “Trong bầu trời này không có gì quý bằng nhân dân, trên thế giới này không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân” [5, tr. 453]; “Nước lấy dân làm gốc..., gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [4, tr. 501-502]. Vì vậy, trong Di chúc, Người xác định rõ: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, vì con người. Trong Di chúc, tư tưởng về con người, vì con người được thể hiện: - Con người mà Bác đề cập trong Di chúc không chung chung, trừu tượng, mà rất cụ thể. Đó là nhân dân lao động, là các liệt sĩ, những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ; chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong; nông dân, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên và thanh niên, nạn nhân của chế độ xã hội cũ... Người có một tình cảm đặc biệt, niềm tin mãnh liệt vào nhân dân lao động. Người nói: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, rất trung thành với Đảng" [6, tr. 622]. Là một người có tinh thần quốc tế trong sáng, Người còn quan tâm đến nhân dân, các đồng chí, bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng trên khắp thế giới...Trước lúc đi xa, trong “Di chúc”, Người không quên cảm ơn, gửi lời chào thân ái đến nhân dân, các đồng chí, bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế khắp năm châu. Như vậy, con người trong Di chúc được xét trên cả bình diện con người dân tộc và con người quốc tế; con người chung (giai cấp, tầng lớp) và con người cụ thể (đối tượng, trường hợp cụ thể); - Tư tưởng về con người, vì con người được thể hiện khi Người đề cập đến mọi vấn đề trong Di chúc. Trong đó khi đề cập đến những nhiệm vụ then chốt: cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; về Đảng và xây dựng Đảng; về đổi mới và phát triển đất nước; về phong trào cộng sản thế giới; về việc riêng, những lời dặn cuối cùng, chuẩn bị cho thống nhất đất nước, “hàn gắn vết thương chiến tranh”, tái thiết đất nước, xây dựng lại thành phố, làng mạc, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, sửa đổi chế độ giáo dục, chỉnh đốn lại Đảng, củng cố quốc phòng...đều thể hiện tư tưởng của Người về con người, vì con người. Có thể khẳng định rằng, thấm đẫm, bao trùm, trung tâm, chủ đạo, xuyên suốt trong toàn bộ Di chúc là tư tưởng khoa học, nhân văn, cách mạng về con người, vì con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh; - Tư tưởng về con người, vì con người còn được thể hiện trong việc Người xác định trọng trách của Đảng và Nhà nước, của cán bộ, đảng viên. Người căn dặn Đảng phải có kế hoạch tốt, sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm để phát triển kinh tế, văn hóa; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phải chăm lo giáo dục “đạo đức cách mạng”; “bồi dưỡng các thế hệ cách mạng cho đời sau”. Đối với Người, con người là trung tâm của mọi sự suy tư và chủ đích của mọi hành động,

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, vì con người trong Di chúc, thể hiện tầm nhìn chiến lược và thấm đượm tinh thần nhân sinh cộng sản, triết lý hành động, thực hành đạo làm người, mang tính khoa học, cách mạng, nhân văn của Bác. Khi viết về Hồ Chí Minh trong mối quan tâm về con người, vì con người, Giáo sư Trần Văn Giàu đã đưa ra nhận xét: “Tầm cỡ của một nhà hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới này là thực tại hay là ảo ảnh, khả thi hay bất khả thi, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người..., lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó” [7, tr. 287].

4. Di chúc là một bản thiết kế lý luận toàn diện, khoa học, sáng tạo đặt nền móng cho tư tưởng đổi mới và phát triển đất nước

Trong Di chúc, tư tưởng về đổi mới và phát triển đất nước là một tư tưởng lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy lý luận khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang soi sáng cho con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tư tưởng về cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ cứu nước và những việc cần phải làm sau kháng chiến; về Đảng và xây dựng Đảng; về con người, vì con người; về xây dựng lại thành phố và làng mạc; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục; củng cố quốc phòng; động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân; về phong trào cộng sản thế giới, trách nhiệm hàn gắn sự bất hòa trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em; về việc riêng, những lời dặn cuối cùng; về chủ nghĩa xã hội... thể hiện rõ nét, sinh động, sáng tạo tư tưởng của Người về đổi mới và phát triển đất nước.

Người quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "Là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “Cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và phát triển đất nước trong Di chúc có tầm chiến lược, là những chỉ dẫn quan trọng của Đảng trong hoạch định đường lối, phương hướng, xác định nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để đưa đất nước phát triển bền vững, nhất là trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Di chúc là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước phát triển theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhận xét về tư tưởng đổi mới và phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã viết: “Di chúc.. .Đó thực sự là một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc đã đánh thắng hai đế quốc to, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, trù tính cho tương lai đất nước, sau khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi đi vào thiết kế, xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân” [8, tr. 46].

5. Di chúc là nơi chung đúc, kết tinh, hội tụ, thăng hoa và tỏa sáng tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Di chúc là nơi chung đúc, kết tinh, hội tụ, thăng hoa và tỏa sáng tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong Di chúc, toát lên những điểm cốt lõi trong tư tưởng - (độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội); trong đạo đức - (cách mạng, cộng sản, thủy chung, trong sáng, khiêm tốn, suốt đời yêu thương, trân trọng, hy sinh vì tự do, hạnh phúc con người); trong phong cách - (ngôn ngữ ngắn gọn, giản dị, sâu sắc, dễ hiểu; tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, nhìn xa trông rộng; làm việc dân chủ, khoa học, chu đáo; sống giản dị, khiêm tốn, thanh cao, có đạo đức, gần dân, vì dân...) của Người.

Di chúc là sự kết đọng trái tim “lớn nặng niềm đau mặt đất”, trí tuệ “uyên thâm, uyên bác, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa, trông rộng), tâm hồn (cởi mở, hài hòa, nhân ái và tình nghĩa, thủy chung), đạo đức (cách mạng, cộng sản, hết lòng vì Đảng, vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng...). Trong Di chúc, Người dành (79/2561 chữ) đề cập việc riêng. Theo Người, để tránh lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân; giữ vệ sinh chung; tiết kiệm đất cho sản xuất nông nghiệp, Người yêu cầu: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” [6, tr. 623]. Cả cuộc đời Người hy sinh cho Đảng, cho nhân dân và dân tộc; khi mất đi đến “thân xác” của mình, Người cũng muốn hiến dâng cho Đảng, cho nhân dân và dân tộc. Người đã cống hiến đến tận cùng, cống hiến trọn vẹn đời cho dân, cho nước. Người bày tỏ tiếc nuối: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” [6, tr. 623]. Người nêu lên mong muốn cuối cùng: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" [6, tr. 624]. Xúc động về những lời căn dặn về việc riêng, mong muốn cùng của Người, nhà thơ Vũ Quần Phương, viết: “Lần đầu tiên Bác nói đến việc riêng/Cả nước khóc nghe những lời dặn cuối/Ôi trời rộng và núi cao vời vợi/Sông biển nào sánh được Bác yêu ta/Bữa cơm ăn vẫn quen nhút, quen cà/Lúc nhắm mắt xin dân đừng tang chế/Ôi tim Bác sao mà mênh mông thế/Gương trong ngần cho muôn thủa cùng soi” [11].

Di chúc kết tinh tư tưởng cơ bản nhất của Người, thể hiện nhân sinh quan cộng sản của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng, hy sinh vì tự do, hạnh phúc con người. Di chúc phản ánh tư tưởng cơ bản nhất của Người, cũng là quy luật vận động cơ bản của cách mạng Việt Nam, của vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, suốt đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đó là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Di chúc thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung của Người. Trước sự bất hòa đang tồn tại trong phong trào cộng sản quốc tế, Người day dứt: "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!” [6, tr. 623]. Người mong muốn, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em.

III. KẾT LUẬN

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nghiền ngẫm trong suốt 4 năm (tháng 5/1965 đến tháng 5/1969), nhưng đó là sự chắt lọc, chung đúc, hội tụ, thăng hoa và tỏa sáng toàn bộ tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách của cả cuộc đời của Người. Di chúc của Người thể hiện tầm nhìn chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là một công trình bất hủ về Đảng và xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh; là một triết thuyết cô đọng tất cả vì sự phát triển con người, xã hội; một bản thiết kế lý luận toàn diện, khoa học, sáng tạo đặt nền móng cho tư tưởng đổi mới và phát triển đất nước. Ngót nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Người đặt bút viết những dòng cuối cùng trong bản Di chúc, đất nước, dân tộc và quốc tế với biết bao sự biến đổi và phát triển, song những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa sự, định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và cho cả mai sau. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Di chúc không viết lên đá, khắc lên vàng chói lọi. Mà trên bản tin hàng ngày, lật lại. Sau bản tin một hôm, Người ký thác chuyện muôn đời…” [1].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.

Chế Lan Viên (1976), “Di chúc của Người”, trong tập “Hoa trước lăng Người”. Nguồn, https://www.thivien.net.

2.

Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 2), (2011), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, (xuất bản lần thứ 3), Hà Nội.

3.

Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 3), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật (xuất bản lần thứ 3), Hà Nội.

4.

Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 5), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật (xuất bản lần thứ 3), Hà Nội.

5.

Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 10), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật (xuất bản lần thứ 3), Hà Nội.

6.

Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 15), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật (xuất bản lần thứ 3), Hà Nội.

7.

Hồ Chí Minh (1995), Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8.

Hoàng Chí Bảo (2017), Sự kết tinh tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người, Tạp chí Cộng sản, số 901 tháng 11.

9.

Tố Hữu (1972), “Bác ơi!” - “Ra trận”. Nguồn: https://www.thivien.net.

10.

Tố Hữu (1972), “Theo chân Bác” - “Ra trận”.

Nguồn: https://www.thi vien.net.

11.

Vũ Quần Phương, “Những vần thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nguồn: https://ten nguoidepnhat.net.


[1]Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Dạy và học ngày nay, của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, chỉ số ISSN 1859 -2694, kỳ 1-7/2019, tr. 25-28;

[2] Bộ môn Lý luận Chính trị - Trường Đại học Hoa Lư;

[3] Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh Thái Bình;

3 Phân hiệu Hà Nam – Trường ĐHSP Hà Nội.

Tin tiêu điểm