KHOA VĂN HOÁ – DU LỊCH THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT HÁT XẨM TRONG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI”
Sáng 7/12, tại khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Trường Đại học Temple Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại” nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, từ đó có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hữu hiệu nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Tham gia vào hội thảo, Khoa Văn hoá – Du lịch Đại học Hoa Lư có hai tham luận đóng góp ý kiến vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Hát Xẩm tại Ninh Bình của ThS Nguyễn Thị Phương và ThS Phạm Thị Thu Thuỷ.
Trình bày tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Phương đã chỉ ra những thay đổi trong thực tiễn giảng dạy âm nhạc và nghệ thuật truyền thống trong trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong khoảng 10 năm gần đây. Theo đó, độ mở của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về thời lượng, nội dung giảng dạy cho phép địa phương có thể vận dụng uyển chuyển trong việc đào tạo các môn văn hóa, âm nhạc đặc thù. Hoạt động giảng dạy âm nhạc, nghệ thuật truyền thống bên cạnh hành lang pháp lý rộng mở là quy chế của Bộ còn có những nghị quyết của Tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là nghệ thuật hát Xẩm. Đây chính là cơ hội để giáo dục Ninh Bình nói chung, giáo dục âm nhạc truyền thống nói riêng có những đóng góp tích cực trong việc đào tạo bồi dưỡng, hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật cũng như xây dựng thị hiếu thẩm mỹ cho các em học sinh, đối tượng thưởng thức cần có trong hiện tại và tương lai, đồng thời góp phần phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các tài năng trẻ, tạo nguồn nhân lực kế cận hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống trong đó có hát Xẩm.
ThS. Nguyễn Thị Phương trình bày tham luận tại hội thảo
Tham luận của ThS. Phạm Thị Thu Thuỷ với cách tiếp cận từ vai trò của các bên liên quan dựa trên những đánh giá về tiềm năng, thực trạng hoạt động khai thác giá trị hát Xẩm trong du lịch tại Ninh Bình đã gợi ý một số biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của họ hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này trong đời sống đương đại.
Qua những sự kiện như hội thảo quốc tế lần này, cán bộ, giảng viên trường Đại học Hoa Lư có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của mỗi giảng viên trường Đại học Hoa Lư đối với sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Khoa Văn hoá - Du lịch