1. NGÀNH DU LỊCH - MÃ NGÀNH (7810101)
Chương trình đào tạo ngành Du lịch của trường Đại học Hoa Lư được xây dựng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển du lịch hiện nay của tỉnh nhà, của đất nước. Chương trình tập trung cung cấp những kiến thức cơ bản, toàn diện, hệ thống về du lịch, nhằm đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu, tư duy sáng tạo giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch. Người học được giáo dục ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa có khả năng tự học để thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình học, người học sẽ được đào tạo theo phương châm “học đi đôi với hành”; bên cạnh kiến thức lý thuyết, người học còn được tham gia vào các chuyến đi học tập dã ngoại, tham quan một số danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa… của đất nước, được tham quan và thực tập tại các cơ sở có liên kết với nhà trường.
Mục tiêu đào tạo:
Chương trình đào tạo của nhân ngành Du lịch, đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức cơ sở và chuyên môn vững vàng, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu, có kỹ năng tư duy sáng tạo để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch; có trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa, có khả năng tự học để thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình hội nhập.
Nội dung chương trình:
Cơ hội việc làm:
2. NGÀNH DU LỊCH - CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ DỊCH VỤ DU LỊCH VÀ LỮ HÀNH (MÃ NGÀNH - 7810101)
Ngành đào tạo Du lịch (Chuyên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành) phù hợp với những bạn sinh viên năng động, nhạy bén trong công việc, có khả năng quan sát nắm bắt tâm lí khách hàng, xử lý tình huống tốt trong những trường hợp khẩn cấp và đặc biệt phải có đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Chương trình đào tạo QTDVDL&LH với 130 tín chỉ được phát triển theo hướng tăng thời lượng thực hành nhằm bắt kịp theo nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Hệ thống tài liệu giảng dạy được cập nhật hàng năm và các phương pháp giảng dạy tích cực thúc đẩy sinh viên phát triển năng lực học tập suốt đời.
MỤC TIÊU CHUNG
Đào tạo cử nhân ngành Du lịch chuyên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có kiến thức chuyên sâu về quản trị dịch vụ du lịch và quản trị lữ hành, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch và lữ hành để làm việc tại các doanh nghiệp du lịch; đơn vị hành chính sự nghiệp trong ngành du lịch; có khả năng khởi nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc thay đổi và học tập suốt đời.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
CƠ HỘI VIỆC LÀM
Người học sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực để làm việc tại các vị trí:
- Hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên tại điểm, hoạt náo viên, MC teambuilding, sales tour, điều hành tour;
- Quản lý, điều hành các phòng/bộ phận inbound, outbound, domestic, sự kiện… của các doanh nghiệp du lịch – lữ hành;
- Chuyên viên các phòng, ban, trung tâm của ngành Du lịch từ địa phương đến Trung ương;
- Tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về du lịch.
TỔ HỢP XÉT TUYỂN NGÀNH DU LỊCH
- Văn, Sử, Địa (C00)
- Văn, GDCD, Tiếng Anh (D66)
- Văn, Sử, Tiếng Anh (D14)
- Văn, Địa, Tiếng Anh (D15)
3. NGÀNH VIỆT NAM HỌC - CHUYÊN NGÀNH HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH (MÃ NGÀNH: 7310630)
Chương trình đào tạo ngành Việt Nam học chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch, áp dụng cho các khoá tuyển sinh từ năm 2023 nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức liên ngành và toàn diện về đất nước, con người Việt Nam trên các lĩnh vực: chính trị, pháp luật, lịch sử, văn hoá, địa lý, văn học, du lịch…; các kỹ năng nghiệp vụ du lịch; các kỹ năng mềm về ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… đáp ứng được nhiều vị trí việc làm khác nhau của thị trường lao động, phù hợp với bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu chương trình đào tạo:
Đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt; có kiến thức tổng hợp về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hoá, xã hội…; có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu, vững chắc về hướng dẫn viên du lịch; bên cạnh đó có kỹ năng làm việc trong khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành…; có khả năng tự học và sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nội dung chương trình đào tạo:
- Khối kiến thức giáo dục đại cương: cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; khoa học xã hội – nhân văn; khoa học – công nghệ - môi trường tạo nền tảng cho việc tiếp cận hệ thống kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành về hướng dẫn du lịch.
- Khối kiến thức cơ sở ngành: cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng để sinh viên có thể theo học các kiến thức ngành và chuyên ngành về hướng dẫn du lịch.
- Khối kiến thức ngành và chuyên ngành: cung cấp kiến thức chuyên sâu về Việt Nam học (Hướng dẫn du lịch) để phục vụ nghề nghiệp và học tập suốt đời.
- Khối kiến thức bổ trợ: cung cấp cho sinh viên những các kiến thức bổ trợ nhằm hỗ trợ cho công việc trong thực tiễn.
- Thực tập: giúp sinh viên củng cố và hệ thống hóa kiến thức lý luận, đồng thời vận dụng kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề của thực tiễn tại các đơn vị thực tập; có cơ hội quan sát, tiếp cận tham gia thực hành một số kỹ năng nghề nghiệp; có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy; có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.
- Khóa luận tốt nghiệp hoặc học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp: Sinh viên có thể được làm khóa luận tốt nghiệp (nếu đủ điều kiện) hoặc chọn các học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp.
Cơ hội việc làm: Người học sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực để làm việc tại các vị trí:
- Làm công việc hướng dẫn viên du lịch tại điểm hoặc hướng dẫn viên du lịch cho các công ty du lịch, các trung tâm dịch vụ lữ hành.
- Làm công việc thuyết minh viên tại các khu du lịch, bảo tàng, di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh.
- Làm công việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá và du lịch, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
- Làm công việc nghiên cứu và phát triển du lịch, điều hành, kinh doanh lữ hành, tiếp thị du lịch.
- Làm công việc trong những lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, văn phòng du lịch hoặc các lĩnh vực liên quan như tổ chức sự kiện, quảng cáo, tiếp thị.
- Làm công việc tại các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy về du lịch như các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề du lịch.
4. NGÀNH VIỆT NAM HỌC - CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA - DU LỊCH (MÃ NGÀNH: 7310630)
Việt Nam học (Vietnamese Studies) là một lĩnh vực khoa học mang tính liên ngành và đa ngành, thuộc phạm trù khu vực học, nghiên cứu Việt Nam chủ yếu trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ngành Việt Nam học được giảng dạy tại Đại học Hoa Lư từ năm 2007. Đây là ngành học trang bị cho sinh viên kiến thức liên ngành và toàn diện về đất nước, con người Việt Nam trên các lĩnh vực: chính trị, pháp luật, lịch sử, văn hoá, địa lý, văn học, du lịch…; các kỹ năng nghiệp vụ du lịch; các kỹ năng mềm về ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để sinh viên có khả năng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… đáp ứng được nhiều vị trí việc làm khác nhau của thị trường lao động, phù hợp với bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu đào tạo:
Đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có kiến thức liên ngành về Việt Nam; có kỹ năng nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học để làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức chính trị - xã hội; có năng lực tự học và sáng tạo thích nghi với yêu cầu của xã hội để phát triển nghề nghiệp trong môi trường làm việc thay đổi.
Vị trí việc làm: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Văn hoá – Du lịch có thể làm các công việc:
- Chuyên viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch các cấp.
- Viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập về văn hóa và du lịch, các tổ chức văn hóa, chính trị, xã hội, giáo dục, khoa học.
- Nhân viên tại các bộ phận trong doanh nghiệp du lịch, công ty tổ chức sự kiện.
- Sinh viên ngành Việt Nam học trường Đại học Hoa Lư sau khi tốt nghiệp có thể học sau đại học ở các chuyên ngành phù hợp theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Tổ hợp xét tuyển ngành Việt Nam học
- Văn, Sử, Địa (C00)
- Văn, GDCD, Tiếng Anh (D66)
- Văn, Sử, Tiếng Anh (D14)
- Văn, Địa, Tiếng Anh (D15)
TƯ VẤN TUYỂN SINH