HỌC TẬP THỰC TẾ TẠI NINH BÌNH - HÒA BÌNH - HÀ NỘI CHO SINH VIÊN D14KHTN VÀ D15KHTN
Căn cứ Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên trình độ đại học; căn cứ kế hoạch chuyên môn của Bộ môn Khoa học tự nhiên, từ ngày 17/12/2024 đến ngày 19/12/2024, với sự hướng dẫn của các giảng viên, sinh viên hai lớp D14 và D15KHTN đã có chuyến thực tế chuyên môn tại Ninh Bình, Hoà Bình và Hà Nội.Chương trình thực tế chuyên môn với mục đích cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế về công nghệ, quy trình sản xuất một số sản phẩm hóa học hoặc biến đổi năng lượng phục vụ sản xuất, tiêu dùng; công nghệ xử lý môi trường tại các cơ sở sản xuất hoặc dịch vụ; thực tế về thực vật, động vật và đa dạng sinh học, các kỹ năng nghiên cứu ngoài thiên nhiên cơ bản.
Điểm đến đầu tiên của chương trình, sinh viên học tập thực tế tại Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình. Tại đây, GV và SV đi tham quan dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy, các hệ thống, quy trình xử lý môi trường. Đoàn được đồng chí PGĐ phụ trách kỹ thuật trực tiếp giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng và phát triển công ty; về tình hình sử dụng và sản xuất phân bón trong nước và trên thế giới,qua đó SV hiểu biết về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất phân lân nói chung cũng như nhu cầu phân lân đối với từng loại cây trồng. Đồng chí PGĐ đã trực tiếp trả lời các câu hỏi mà sinh viên đặt ra, sinh viên đã hiểu rõ hơn nguyên tắc cơ bản trong sản xuất phân lân nung chảy, việc kiểm soát chất lượng phân lân nung chảy, về tỉ lệ các nguyên liệu, xử lý nguyên liệu đầu vào, các giải pháp để hạ giá thành sản phẩm; việc xử lý môi trường cũng được công ty quan tâm.
Đoàn tham quan tìm hiểu tại Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình
Đoàn tham quan thực tế dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy tại Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình
Điểm đến tiếp theo của đoàn là Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một quần thể kiến trúc hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Một công trình công nghiệp khổng lồ của ngành điện lực Việt Nam, là công trình thủy điện đa chức năng bao gồm các nhiệm vụ: chống lũ, phát điện, tưới tiêu, giao thông thủy. Đây là nơi sản xuất và cung cấp nguồn năng lượng chủ yếu cho hệ thống điện lực của cả nước. Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một tổ hợp công trình ngầm được thiết kế thi công xây dựng trong lòng núi. Với quy mô lớn gồm: 8 tổ máy có công suất lắp đặt 1920MW, thiết bị máy móc hiện đại, thuộc thế hệ mới. Cùng với công trình là hệ thống hồ chứa, đập đất đá và hệ thống tràn xả lũ với 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt. Tại đây sinh viên được nghe thuyết minh về lịch sử của nhà máy, nghe các báo cáo và trao đổi về tình hình sản xuất điện năng, quy trình vận hành, giám sát, điều khiển, bảo dưỡng mỗi tổ máy, phối hợp các tổ máy; việc phân phối điện năng sản xuất; các biện pháp giảm hao phí trong truyền tải điện năng; truyền tải điện với cảnh quan và sức khỏe con người; khai thác các nguồn năng lượng sạch. Sau đó đoàn tham quan khu vực gian máy (công trình ngầm) và tìm hiểu một số công trình bên ngoài bao gồm: đập đất đá, công trình xả tràn chống lũ, các cửa nhận và thoát nước, hồ chứa nước; đài tưởng niệm, tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bảo tàng....
Đoàn tham quan tìm hiểu Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Đoàn tham quan tìm hiểu khu vực công trình ngầm tại Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Đoàn tham quan đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Điểm đến tiếp theo trong chương trình, đoàn đến tham quan học tập tại Vườn quốc gia Ba Vì: Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì hiện nay với tổng diện tích là 10.814,6 ha, có hệ động vật, thực vật rừng rất phong phú và đa dạng. Trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn gen.
Sinh viên được tìm hiểu chung về điều kiện tự nhiên, mục tiêu, nhiệm vụ của VGQ Ba Vì, nghe các báo cáo và trao đổi về hệ thực vật, động vật rừng, tính đa dạng sinh học của một số loài động vật, thực vật; về vai trò sinh thái của rừng, các thách thức đối với bảo tồn;các giải pháp tổng hợp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái: tăng cường quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh nghiên cứu sinh học, nhân giống và tái thả các loài quý hiếm; phát triển du lịch sinh thái bền vững; phát triển cộng đồng bền vững. Sinh viên được tham quan thực tế, thu thập mẫu vật, tìm hiểu hệ sinh thái tự nhiên. Qua đó SV rèn luyện được kỹ năng nghiên cứu thực địa, các kỹ năng lựa chọn, lấy mẫu và xử lý mẫu ban đầu.
Đoàn tham quan Vườn Quốc Gia Ba Vì –Hà Nội
Thu thập và xử lý mẫu
Bên cạnh các điểm tham quan học tập chính. đoàn thực tế cũng đã đến khu di tích lịch sử K9, huyện Ba Vì (Hà Nội), là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa - di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi qua đời.Bên cạnh tham quan các khu di tích lịch sử mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đến đây sinh viên cũng còn có cơ hội tìm hiểu hệ thực vật tương đối phong phú, thu thập thêm một số mẫu vật cần thiết cho thực hành môn học.
Chương trình thực tế của sinh viên ngành Khoa học Tự nhiên- Trường Đại học Hoa Lư là hoạt động trải nghiệm rất có ý nghĩa, giúp sinh viên bổ sung, hoàn thiện kiến thức lý thuyết, đảm bảo học đi đôi với hành, đồng thời góp phần phát huy năng lực tự chủ, tự giác, năng lực hợp tác, giao tiếp của sinh viên.
Bài: Cô Hà Thị Hương - Ảnh: SV Phạm Tạ Hoàng Anh, Mai Sỹ Thiên