NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN: NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Bạn là sinh viên. Bạn muốn tham gia nghiên cứu khoa học. Bạn muốn làm một đề tài nghiên cứu khoa học nhưng bạn chưa biết bắt đầu từ đâu! Bài viết này sẽ giúp bạn hình dung cách thức làm một đề tài nghiên cứu khoa học và các bước để sẵn sàng thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học mà bạn thích đạt hiệu quả cao

Đầu tiên bạn phải hiểu: Nghiên cứu khoa học là gì?

- Khái niệm về “Khoa học”: Theo Webter’s New Collegiste Dictionary, “Khoa học” được định nghĩa là những tri thức đạt được qua kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu. Khoa học nói một cách đơn giản bao gồm những tính toán và thử nghiệm các giả thuyết dựa trên những bằng chứng và thí nghiệm được quan sát có thể ứng dụng.

- Khái niệm về “nghiên cứu”: Collis & Hussey (2014) chỉ ra rằng: Nghiên cứu là một quá trình tham vấn và điều tra một cách có hệ thống và có phương pháp nhằm làm gia tăng lượng kiến thức.

- Nghiên cứu khoa học là hành động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm.. dựa trên những số liệu, dữ liệu, tài liệu thu thập được để phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng; tìm ra những kiến thức mới hoặc tìm ra những ứng dụng kỹ thuật mới có ý nghĩa trong thực tiễn.

Lợi ích của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên:

Tham gia nghiên cứu khoa học, đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức bằng cách nghiên cứu thêm các giáo trình, tài liệu, phương pháp nghiên cứu. Áp dụng các kiến thức đã học vào nghiên cứu khoa học cũng là một cách học có hiệu quả, nhớ sâu nhớ kỹ kiến thức. Từ đó sinh viên nâng cao được kiến thức chuyên môn, có thêm các trải nghiệm, kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn, được tiếp cận với thực tiễn tại đơn vị ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, từ đó có những liên hệ và ứng dụng kiến thức phong phú hơn… Bên cạnh đó, tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên còn là cơ hội để sinh viên rèn luyện những kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng tìm kiếm thông tin dữ liệu, xử lý thông tin, kỹ năng thuyết trình và tích lũy thêm hành trang sau khi tốt nghiệp ra trường.

Bạn băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu. Làm nghiên cứu khoa học có khó không? Thầy cô có giúp đỡ mình trong quá trình làm không?

Nếu thực sự bạn có đam mê nghiên cứu khoa học, bạn đừng ngần ngại mà hãy bắt tay ngay để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực mà mình yêu thích hoặc lĩnh vực chuyên môn phục vụ cho công việc của mình sau này. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn hãy làm theo các bước sau đây:

1. Lên ý tưởng: Bạn có thể tìm thấy ý tưởng nghiên cứu khoa học của mình từ việc đọc sách báo, ti vi, internet.. hoặc qua quan sát thực tế. Ví dụ: Khi thời sự báo đài đưa tin về dịch COVID ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt nam trong thời gian gần đây, bạn có thể hình thành ý tưởng viết về các giải pháp bảo hộ ngành du lịch ở tỉnh Ninh Bình trong thời kỳ dịch COVID…Rất nhiều ý tưởng có thể hình thành từ những sự việc hàng ngày, sự kiện nổi bật về các mặt đời sống kinh tế, chính trịm văn hóa, xã hội.

2. Xác định hướng nghiên cứu: Khi bạn tìm được ý tưởng rồi, bạn hãy đọc nhiều tài liệu về vấn đề đó. Các sách báo, tạp chí, internet… đưa ra cho bạn các số liệu thống kê, các dữ liệu có liên quan đến ý tưởng của bạn.

3. Chọn tên đề tài nghiên cứu: Sau khi đã có trong tay nhiều tài liệu, bạn hãy hình thành tên đề tài mình muốn viết. Tên đề tài cần ngắn gọn và phải thể hiện được vấn đề bạn nghiên cứu. Tên đề tài phải thể hiện đầy đủ đối tượng, phạm vi, chủ thể, khách thể, thời gian, không gian nghiên cứu.

4. Tham khảo ý kiến của giảng viên: Bạn trình bày ý tưởng nghiên cứu khoa học của mình cho giảng viên. Giảng viên sẽ tư vấn và định hướng tên đề tài phù hợp với trình độ và năng lực nghiên cứu của bạn. Giảng viên sẽ đưa ra các thuận lợi và khó khăn đồng thời giúp bạn định hướng cách thức thu thập thông tin dữ liệu để chuẩn bị viết nghiên cứu khoa học.

5. Lập đề cương nghiên cứu khoa học: Sau khi bạn đã chốt được tên đề tài nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn, bạn sẽ viết đề cương cho đề tài của mình. Đề cương bao gồm các nội dung cơ bản: Mở đầu, mục đích nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết cấu đề tài, nguồn số liệu tham khảo. Sau khi lập đề cương sơ bộ, bạn nên chủ động tìm gặp giảng viên, mang theo đề cương và chuẩn bị các câu hỏi mà bạn cần tư vấn để thầy cô hướng dẫn và giúp đỡ.

6. Lập kế hoạch và quản lý thời gian: Quá trình triển khai làm nghiên cứu khoa học của sinh viên diễn ra từ tháng 01 cho đến tháng 12 hàng năm. Trong thời gian đó, sinh viên vừa học tập trên lớp vừa phải đọc tài liệu, nghiên cứu viết đề tài. Vì vậy, khi tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên cũng cần sắp xếp quỹ thời gian hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đồng thời cũng cần để dành một khoảng thời gian cho các công việc cá nhân, thư giãn, giải trí và tham gia hoạt động xã hội.

7. Tôn trọng sự thật: Khoa học cũng là chân lý, người làm khoa học không được phép xuyên tạc, bóp méo sự thật. Tất nhiên, không có điều gì là tuyệt đối song trong nghiên cứu khoa học cần giữ tính khách quan càng cao càng tốt. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học vẫn có những “giả tưởng”, song đó vẫn phải được xây dựng trên cơ sở khoa học hợp lý và được kiểm chứng hợp lý. Nghiên cứu khoa học cũng là quá trình giúp sinh viên rèn luyện nhân cách và bản lĩnh cá nhân.

8. Giành quyền chủ động: Từ lúc hình thành đề tài nghiên cứu cho đến lúc thực hiện, sinh viên cần phải chủ động thực hiện công việc. Giảng viên hướng dẫn khoa học chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thêm. Sinh viên cần phải chủ động tìm tài liệu, tổng hợp và viết đề tài. Nếu trong quá trình nghiên cứu vướng mắc phải chủ động tìm ra cách thức giải quyết và gặp giảng viên hướng dẫn để trình bày vấn đề của mình.

8. Tài liệu tham khảo: Tài liệu tham khảo thể hiện chiều rộng và chiều sâu kiến thức của người làm nghiên cứu. Các số liệu được cung cấp bởi các cơ quan, tổ chức uy tín sẽ làm gia tăng giá trị công trình. Trích dẫn nguồn tài liệu đúng nguồn, đúng tác giả thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc và giúp chúng ta không vi phạm quyền tác giả. Số liệu sơ cấp cũng phải được chọn lọc cẩn thận, không đưa vào những thông tin võ đoán, thiếu căn cứ.

9. Tuân thủ các quy định và kế hoạch đã đề ra: Một đề tài dù xuất sắc đến đâu cũng phải đảm bảo tính chuẩn mực trong trình bày và đúng thời hạn quy định. Việc nộp bài đúng hạn sẽ giúp giảng viên hướng dẫn có thời gian tư vấn cho sinh viên khắc phục những điểm chưa rõ của công trình. Tốt nhất là sinh viên phải đề ra kế hoạch và thực hiện tốt kế hoạch đó mới đảm bảo thời gian hoàn thành đề tài, in và sửa lổi để có thể nộp đúng hạn.

10. Bảo vệ đề tài: Bước cuối cùng của nghiên cứu khoa học đó là bảo vệ đề tài trước hội đồng. Trước thời gian thuyết trình chính thức, sinh viên cần dành thời gian thuyết trình thử. Khi trình bày kết quả có thể sử dụng trình chiếu bằng powerpoint và chọn lọc những thông tin cơ bản nhất để làm nổi bật luận điểm. Bên cạnh đó, các bạn nên chú ý đến tác phong, trang phục, chuẩn bị giấy bút để ghi lại những câu hỏi của các thầy cô trong hội đồng đánh giá.

Trên đây là các vấn đề cơ bản khi bạn muốn làm một đề tài nghiên cứu khoa học. Bây giờ bạn có thể tự trả lời cho mình câu hỏi: Nên hay không nên nghiên cứu khoa học rồi phải không. Nếu bạn có đam mê nghiên cứu khoa học thì hãy bắt tay ngay vào tìm kiếm ý tưởng của mình nhé. Chúc bạn luôn thành công!

Tin tiêu điểm