Những quy định mới của Luật Thư viện 2019
Ngày 21/11/2019, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 đã được Quốc hội chính thức thông qua. Luật Thư viện 2019 gồm 06 Chương, 52 Điều với những điểm mới sau đây:
1. Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập
Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 quy định thư viện bao gồm 02 loại hình: Thư viện công cộng và Thư viện chuyên ngành, đa ngành.
Luật Thư viện 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định thư viện được tổ chức theo 02 mô hình: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập. Trong đó, Luật quy định rõ:
Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản;
Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhận nước ngoài, công đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.
Cụ thể, thư viện gồm các loại sau đây:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam;
- Thư viện công cộng;
- Thư viện chuyên ngành;
- Thư viện lực lượng vũ trang;
- Thư viện cơ sở giáo dục đại học (thư viện đại học);
- Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;
- Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;
- Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
2. Quy định ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Ngày 25/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam tại Quyết định 284/QĐ-TTg.
Và lần đầu tiên, ngày 21/4 hàng năm được đưa vào Luật Thư viện 2019 trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển một xã hội có thói quen, văn hóa đọc.
Theo khoản 2 Điều 30 Luật này, việc phát triển văn hóa đọc được thực hiện thông qua các hoạt động sau:
- Tổ chức các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc;
- Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, khai thác thông tin cho trẻ em tại các thư viện trường học và thư viện công cộng;
- Phát triển kỹ năng thông tin cho người sử dụng thư viện trong tìm kiếm, đánh giá, khai thác và sáng tạo thông tin, tri thức;
- Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với các thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, kiến thức từ các thư viện số dùng chung qua thiết bị điện tử di động; sử dụng các dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin thư viện.
3. Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện
Theo Pháp lệnh Thư viện chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện. Các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức.
Luật Thư viện 2019 đã mở rộng, xã hội hóa hoạt động thành lập thư viện. Theo đó, không chỉ dừng lại ở các tổ chức của Việt Nam mà mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cứ đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện:
- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;
- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;
- Người làm công tác thư viện có chuyên môn phù hợp với hoạt động của thư viện;
- Người đại diện theo pháp luật của thư viện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
4. Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số
Thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng truy cập và khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện.
Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.
5. Liên thông giữa các thư viện
Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật, theo đó, đây là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm, dịch vụ thư viện.
Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập (khoản 4 Điều 24). Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện.
Đặc biệt, Luật Thư viện nhấn mạnh liên thông giữa các thư viện phải phù hợp với quy mô và đối tượng phục vụ nhằm bảo đảm sự liên thông trong tra cứu thông tin thay vì quy định chung chung như trước.
Liên thông thư viện bao gồm các nội dung sau:
- Phối hợp trong thu thập, bổ sung tài nguyên thông tin, dữ liệu số dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp;
- Chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện;
- Liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện.
Theo đó, việc liên thông thư viện được thực hiện theo các phương thức: Liên thông theo khu vực địa lý; theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng; theo nội dung, chủ đề tài nguyên thông tin thư viện và liên thông giữa các loại thư viện.
6. Đánh giá hoạt động thư viện
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Thư viện 2000, theo đó, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện và nâng cao hoạt động thư viện.
Khi thực hiện đánh giá hoạt động thư viện phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Khách quan, chính xác, đúng quy định;
- Trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng;
- Theo định kỳ hàng năm.
Người tổng hợp: Lê Thị Tuyết Nhung