Thực tế chuyên môn là một nội dung quan trọng, không thể thiếu đối với sinh viên nói chung, sinh viên ngành sư phạm nói riêng. Thông qua những chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế cuộc sống, sinh viên được tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, phục vụ cho học tập và hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường.
Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2018 - 2019,trong 4 ngày (31/10 - 01/11 và 05 - 06/11/2018), gần 80 sinh viên năm thứ ba, ngành Giáo dục tiểu học, gồm hai lớp: D9TH1 và D9TH2, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên Khoa Tiểu học - Mầm non đã thực hiện thành công chuyến đi thực tế chuyên môn tại Sơn Tây - Hà Nội. Các địa danh chính mà sinh viên được đến tham quan, học tập gồm: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu Di tích K9 và Vườn Quốc gia Ba Vì.
Nằm cách Hà Nội hơn 40km, là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô – Ngải Sơn, Sơn Tây, Hà Nội, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích gần 200ha,nơi bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.Đến với nơi đây, sinh viên được tìm hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc, bồi dưỡng tình yêu và lòng tự hào về quê hương, đất nước.
(Trước cổngLàng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam)
(Sinh viên tìm hiểu quần thể Tháp Chăm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam)
Khu Di tích K9 nằm bên bờ sông Đà, thuộc Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa - di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi Người đã qua đời. Nơi đây, Bác Hồ và các đồng chí thân thiết của Bác đã làm việc và nghỉ ngơi; nơi thể hiện tình cảm cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bầu bạn quốc tế; nơi bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt; nơi thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu và cũng là một căn cứ dự phòng của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nối mạch nguồn lịch sử – văn hoá của thời đại Hồ Chí Minh.
Đến K9, đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan nơi ở và làm việc của Bác, lắng nghe những câu chuyện lịch sử đầy cảm động về Người, thêm trân quý di sản mà vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc để lại, còn nguyên giá trị và hiện hữu ở nơi đây, chính là đạo đức, lối sống cao đẹp, giản dị, hoà hợp với thiên nhiên trong lành.
(Đường vào Khu Di tích lịch sử K9)
(Trước Đền thờ Bác Hồ tại Khu Di tích K9)
(Sinh viên nghe thuyết minh về “Dàn xe vận tải đặc biệt” tại K9)
Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 50km về phía Tây, giữa vùng đồi núi bán sơn địa của xứ Đoài nổi lên một khối núi cao sừng sững với 3 đỉnh làm nên cái tên Ba Vì, đó là đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m. Lưng chừng núi có nhiều thác nước đổ xuống ngày đêm, hình thành nên những điểm du lịch hấp dẫn như Khoang Xanh, Ao Vua, Thác Ngà, Suối Ngọc..., tất cả tạo thành quần thể non nước hữu tình. Vườn Quốc gia Ba Vì nằm trọn trong khối núi đồ sộ ấy, kéo dài tới tận đỉnh Viên Nam thuộc đất Hòa Bình. Với khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, đến Vườn Quốc gia Ba Vì, sinh viên được thỏa sức đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được trở về với truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh thiêng liêng của dân tộc.
Núi Ba Vì tương truyền là nơi hóa thân của Đức thánh Tản Viên Sơn Tinh, vị thánh đứng đầu Tứ bất tử trong tâm thức người Việt. Để ghi nhớ công lao trị thủy của Đức Thánh Tản Viên, nhân dân lập Đền thờ Ngài trên đỉnh Tản Viên, tục gọi là Đền Thượng. Đền Thượng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào tháng 2/2008. Ngoài những giá trị lịch sử, sinh viên có dịp tìm hiểu thêm về nền văn hóa Văn Lang đời Vua Hùng thứ 18.
Trên đỉnh Vua là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Ngôi đền nằm giữa không gian huyền ảo, lẫn trong mây trắng bồng bềnh và tiếng chim rừng lảnh lót dưới những tán cây cao vút.Ở độ cao 600m là điểm di tích lịch sử cách mạng ghi dấu trận đánh dũng cảm giữa bộ đội ta với thực dân Pháp trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952. Đến thăm nơi này, sinh viên như được sống lại quá khứ hào hùng, được trải lòng với hồn thiêng núi Tản sông Đà.
Chuyến đi thực tế năm học 2018 - 2019của sinh viên khóa D9, ngành Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Hoa Lư, đã kết thúc tốt đẹp. Những nụ cười, niềm vui và hơn hết là những bài học thực tiễn còn đọng lại trong mỗi người và đã trở thành một kỷ niệm đẹp đầy ý nghĩa. Những kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn của chuyến đi giúp thầy và trò có thêm nhiều hứng thú, say mê hơn trong công tác nghiên cứu, học tập và thêm yêu hơn con đường mình đã chọn.
Bùi Hồng