Phát triển năng lực giảng viên - Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường học. Bởi vậy, phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao là một chiến lược được quan tâm hàng đầu hiện nay tại trường Đại học Hoa Lư.

Trong xu thế hội nhập, một giảng viên Đại học giỏi đồng thời phải là một nhà giáo, một nhà khoa học. Giảng viên phải có kiến thức chuyên môn sâu về ngành giảng dạy, về chương trình đào tạo, về xu hướng đào tạo; kỹ năng về dạy và học… giảng viên cũng cần phải nghiên cứu khoa học, tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và công bố các kết quả nghiên cứu. Với quan điểm đó, những năm qua, Trường Đại học Hoa Lư không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và đã dần khẳng định được uy tín, chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục.

Theo đó, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho giảng viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, động viên, khuyến khích giảng viên thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, làm đề tài khoa học, viết báo khoa học, đăng tải các ấn phẩm khoa học. Các sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên, giảng viên được áp dụng vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, sản xuất, thể hiện năng lực nghề nghiệp chuyên sâu của đội ngũ giảng viên, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiến sản xuất của thầy và trò trường Đại học Hoa Lư.

Để việc tự học, tự nghiên cứu khoa học trở thành một phong trào lớn, có sức lan tỏa cả về bề rộng lẫn chiều sâu, nhà trường thường xuyên tổ chức lễ phát động phong trào “thi đua tự học, tự nghiên cứu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học” vào những ngày lễ lớn, ngày Nhà giáo Việt Nam, nhờ đó đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của 100% cán bộ, giảng viên trong nhà trường. Mặt khác, hàng năm nhà trường tổ chức các cuộc hội giảng, thao giảng. Đây là cơ hội cho các giảng viên được thể hiện kiến thức chuyên môn, năng lực giảng dạy, phương pháp giảng dạy, nghệ thuật ứng xử, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm… phần nào cũng phản ánh sự cập nhật, trau dồi kiến thức mới, khả năng thích ứng và hội nhập với sự phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật trong ngành học nói riêng, xã hội nói chung. Qua đó, mỗi giảng viên đều thu được những bài học kinh nghiệm quý cho mình, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch học tập bồi dưỡng cho năm học tiếp theo được tốt hơn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được lãnh đạo nhà trường chú trọng hơn. Ngoài những bài báo khoa học được các giảng viên đăng trên các báo khoa học ngoài nhà trường, Trường cũng có nhiều sản phẩm công nghệ tham gia các cuộc thi trong nước, một số sản phẩm được giải thưởng cao, ngày càng khẳng định vị thế của Nhà trường trong khối giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Lư cho biết, việc học tập nâng cao năng lực cho giảng viên không chỉ góp phần quyết định đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường, mà còn là yếu tố quyết định để mở một mã ngành mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bởi lẽ, để mở được một ngành đào tạo thì đòi hỏi ngành học đó phải có 1 tiến sỹ, 3 thạc sĩ. Đơn cử, như trước đây, ngành Đại học sư phạm toán là ngành học truyền thống của nhà trường, tuy nhiên sau khi khảo sát, đánh giá về nhu cầu của xã hội, nhà trường đã chủ động hạ quy mô đào tạo của ngành học này. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận thấy ngành giáo dục tiểu học có nhu cầu lớn hơn khi vài năm tới, dự tính mỗi năm toàn tỉnh sẽ có khoảng 200 giáo viên tiểu học về hưu. Nhờ đáp ứng được cơ cấu đội ngũ là 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ nên năm 2016, nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở mã ngành giáo dục tiểu học trình độ Đại học. Khóa đầu tiên nhà trường đã tuyển được 80 sinh viên, góp phần đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục đào tạo tỉnh nhà. Cũng với cách làm đó, thời gian tới, nhà trường xác định phải mở mới các mã ngành đào tạo để đón đầu nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh như: ngành Du lịch, ngành Tiếng Anh và Tin học. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, nhà trường đã động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các giảng viên trong nhóm ngành học này có điều kiện đi học, nghiên cứu sinh để đáp ứng nhu cầu về cơ cấu đội ngũ của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Quỳnh cho biết thêm, với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, giảng viên, đến nay, trường Đại học Hoa Lư có 01 PGS.TS, 7 tiến sỹ, 12 nghiên cứu sinh, chiếm 10%, phấn đấu đến năm 2025, nhà trường sẽ nâng tỷ lệ này lên 35%. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngay từ bây giờ, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học; cơ cấu lại ngành nghề đào tạo, xác định ngành nghề đào tạo mũi nhọn để làm căn cứ xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức đáp ứng nhiệm vụ đào tạo. Xây dựng Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức, trong đó quy định về độ tuổi hoàn thành học Tiến sĩ; gắn đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, phân loại, thi đua khen thưởng cán bộ, viên chức; Xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng để động viên, khích lệ cán bộ, viên chức đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng Đề án về đào tạo Tiến sĩ là giảng viên cơ hữu của trường Đại học Hoa Lư đến năm 2025; Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút cán bộ khoa học có trình độ Tiến sĩ về công tác tại Trường Đại học Hoa Lư.

Nguyễn Hùng

  • Thứ Tư, 17:08 05/04/2017

TS chính quy3: 0938432640

TS chính quy2: 02293892701

TS chính quy1: 02293888296

G

TS VLVH 02293892700

G

TS VLVH 0936331567